
Tôi biết rất nhiều người muốn mua bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ cho gia đình mình nhưng lại có quá nhiều nỗi lo và từ đó dẫn đến không tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nào cả. Khi không may rủi ro xảy ra với gia đình mình thì lại hối tiếc giá như mà ngày đó tôi có tham gia một hợp đồng bảo hiểm nào đó thì bây giờ tốt biết mấy.
Về bản chất bảo hiểm nhân thọ rất tốt và được bảo vệ chặt chẽ bởi những quy định pháp luật, nhưng không có quá nhiều người hiểu về những qui định của pháp luật và từ đó dẫn đến không có niềm tin vào giải pháp này.
Cũng có rất nhiều trường hợp khi đã tham gia bảo hiểm nhân thọ rồi nhưng vì chưa đủ hiểu biết nên khi nghe những thông tin tiêu cực từ hàng xóm, láng giềng, họ hàng, bà con thì lại muốn hủy hợp đồng giữa chừng, làm mất tiền và khi có rủi ro xảy ra thì không có gì để bảo vệ.
Bạn biết không? Không giống như những ngành nghề khác, nghề bảo hiểm nhân thọ có một đặc thù riêng là nó được bộ tài chính quản lý rất chặt chẽ từ khâu tuyển dụng cho đến các qui định chế tài, pháp lý khác nhau.
Để tránh những rủi ro không mong muốn cũng như giúp bạn an tâm vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với bạn những qui định của pháp luật nhằm bảo vệ chính bạn, những người đã mua bảo hiểm nhân thọ cho gia định mình.
1. Quy Định Pháp Luật Về Kênh Đầu Tư Trong Bảo Hiểm Nhân Thọ
Đối với các ngành nghề khác, doanh nghiệp khi thành lập kinh doanh thì được quyền tự do chọn kênh đầu tư theo qui định của pháp luật, không có qui định nào về kênh đầu tư cụ thể nào.
Nhưng đối với bảo hiểm nhân thọ thì khác, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được quyền đầu tư theo những danh mục đầu tư mà nhà nước quản lý được và có mục đích phát triển đất nước, cụ thể đó là trái phiếu, cổ phiếu, và gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tùy vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cụ thể mà khoản tiền đóng phí hàng năm của bạn sẽ được đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu hay gửi tiết kiệm ngân hàng. Do đó bạn hoàn toàn có quyền biết được kênh đầu tư mà giải pháp bạn đang tham gia hoặc sắp tham gia sẽ được đầu tư vô đâu, lợi nhuận đầu tư và rủi ro sẽ như thế nào.
2. Quy Định Pháp Luật Về Vốn Pháp Định
Vốn pháp định được hiểu là số tiền tối thiểu mà doanh nghiệp phải có khi thành lập doanh nghiệp theo qui định của pháp luật.
Vốn pháp định chỉ bắt buộc đối với một số ngành nghề mà không phải doanh nghiệp nào cũng cần có vốn pháp định. Vốn pháp định là bắt buộc đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, tài chính,…
Vốn pháp định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho khách hàng khi không may doanh nghiệp gặp rủi ro. Vốn pháp định sẽ được ký quĩ tại các ngân hàng theo qui định của bộ tài chính.
Trong đó mức vốn pháp định tối thiểu của ngành bảo hiểm nhân thọ theo luật kinh doanh bảo hiểm nhân thọ mới nhất ban hành ngày 01/01/2023 là 750 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa là hiện nay nếu một tổ chức, cá nhân muốn thành lập kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam thì cần phải có số tiền tối thiểu để ký quĩ với ngân hàng là 750 tỉ đồng.
3. Quy Định Pháp Luật Về Trích Lập Quỹ Bảo Vệ Người Mua Bảo Hiểm
Như tôi vừa đề cập ở trên, đế kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam thì các cá nhân tổ chức phải có thật nhiều tiền để ký quĩ nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên đó là khi chưa có khách hàng, theo thời gian các công ty bảo hiểm bắt đầu có khách hàng và có rất nhiều khách hàng thì nghĩa vụ của công ty bảo hiểm đối với khách hàng ngày càng lớn. Do đó để tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho người dân thì bộ tài chính bắt buộc các công ty bảo hiểm phải thành lập các quĩ, các quĩ đó bao gồm:
– Quỹ Dự Phòng Nghiệp Vụ: khi khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm, khách hàng đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm thì được hiểu lúc này công ty bảo hiểm đang nợ khách hàng một khoản tiền tương đương với số tiền bảo hiểm. Nếu không may khách hàng gặp rủi ro thì khách hàng sẽ được công ty chi trả quyền lợi bảo hiểm. Do đó để đảm bảo quyền lợi khách hàng, bộ tài chính bắt buộc các công ty bảo hiểm phải thành lập các quỹ dự phòng nghiệp vụ, và quỹ này sẽ được công ty dùng vào việc chi trả quyền lợi khách hàng khi khách hàng không may gặp rủi ro.
– Quỹ Dự Trữ Bắt Buộc: trong trường hợp nếu không may xảy ra rủi ro quá lớn đối với khách hàng mà số tiền từ quỹ dự phòng nghiệp vụ không thể đảm bảo thì cần phải có một khoản tiền khác để sử dụng vào việc này và số tiền đó gọi là quỹ dự trữ bắt buộc. Hoặc trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm muốn tăng vốn điều lệ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh thì cũng có thể sử dụng khoản tiền từ quĩ dự trữ bắt buộc. Quỹ này được trích lập bằng 5% lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm.
– Quỹ Bảo Vệ Người Được Bảo Hiểm: trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm làm ăn thua lỗ mất khả năng thanh toán hoặc xấu nhất là phá sản thì lấy gì để bồi thường cho khách hàng. Chính vì điều đó Bộ Tài Chính lại bắt buộc các công ty bảo hiểm phải trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, và qũy này được trích lập từ Nguồn để lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng đối với tất cả hợp đồng bảo hiểm.
4. Quy Định Pháp Luật Về Thời Gian Gia Hạn Hợp Đồng
Ngoài những qui định về vốn thì cũng còn rất nhiều qui định khác mà bộ tài chính đặt ra nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người mua bảo hiểm đó là những qui định về:
– Thời gian tự do xem xét: kể từ ngày phát hành hợp đồng, bên mua bảo hiểm có 21 ngày tự do xem xét. Trong khoản thời gian này khách hàng có quyền hủy hợp đồng vì bất kỳ lý do gì và lấy lại khoản phí mình đã nộp và công ty có trách nhiệm phải hoàn trả cho bạn. Nên khi nhận quyển hợp đồng bạn hãy tranh thủ đọc nó trong vòng 21 ngày.
– Thời gian gia hạn đóng phí: Theo qui định của hợp đồng bảo hiểm, ngày tới hạn đóng phí là ngày kỷ niệm năm hợp đồng của bạn. Ví dụ hợp đồng của bạn được công ty phát hành ngày 12/03/2023 thì ngày tới hạn đóng phí tiếp theo là ngày 12/03/2024. Tuy nhiên nếu tới ngày đóng phí bạn chưa có tiền đóng phí, bạn vẫn có quyền đóng trễ trong vòng 60 ngày. Và trong thời gian này mọi quyền lợi của bạn trong hợp đồng vẫn đảm bảo.
– Thời gian khôi phục hiệu lực hợp đồng: Trong trường hợp bạn đã sử dụng thời gian gia hạn đóng phí nhưng hết 60 ngày bạn vẫn không có tiền đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng của bạn sẽ bị mất hiệu lực. Trong trường hợp mất hiệu lực này thì bạn vẫn có quyền khôi phục lại trong vòng 2 năm kể từ ngày hợp đồng mất hiệu lực mà không cần phải tham gia hợp đồng mới, lúc này phí bảo hiểm hàng năm vẫn như cũ mà không tăng theo tuổi mới.
– Thời gian khởi kiện: trong trường hợp khi bạn tham gia bảo hiểm, các công ty bảo hiểm không giữ đúng lời hứa trong hợp đồng bảo hiểm. Bạn vẫn có quyền khởi kiện ra tòa án cấp tỉnh nơi bạn đang sinh sống. Và thời gian khởi kiện là 3 năm kể từ ngày xảy ra tranh chấp.
5. Quy Định Về Giải Thể, Phá Sản Doanh Nghiệp Bảo Hiểm Nhân Thọ
Cũng giống như các ngành nghề khác, bất kỳ doanh nghiệp nào khi thành lập kinh doanh cũng có chung mục đích là kiếm lợi nhuận. Do đó cũng sẽ có trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm làm ăn thua lỗ và dẫn đến giải thể hoặc phá sản.

Có một đặc thù trong lĩnh vực bảo hiểm đó là trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm muốn giải thể hoặc phá sản thì phải chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm đã ký kết với khách hàng và các quỹ kèm theo qua một doanh nghiệp khác.
Sau khi chuyển giao qua một doanh nghiệp mới thì toàn bộ những quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng cũng được giữ nguyên mà không hề có sự thay đổi so với doanh nghiệp cũ, từ quyền lợi, phí bảo hiểm, điều khoản…đều được giữ nguyên cho đến khi kết thúc hợp đồng. Và việc chuyển giao này phải được thông báo đến khách hàng bằng văn bản trong vòng 30 ngày.
Như vậy qua bài viết trên, tôi muốn bạn nắm được một số qui định cơ bản của bộ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm cũng như người mua bảo hiểm. Qua đó tôi muốn bạn có đủ kiến thức để đánh giá về bảo hiểm nhân thọ cũng như hợp đồng bảo hiểm của bạn hiện tại. Từ đó giúp bạn có thêm niềm tin để được bảo vệ một cách tốt nhất.