
Một câu nói rất quen thuộc mà Anh/Chị/Em làm nghề tư vấn bảo hiểm thường hay nhắc đi nhắc lại khi gặp và tư vấn cho khách hàng là Anh/Chị nên mua bảo hiểm nhân thọ cho người trụ cột đi ạ, vì người trụ cột là người kiếm ra tiền bảo vệ gia đình, nếu không mai trụ cột xảy ra rủi ro thì ai sẽ người lo cho chi phí y tế, chi phí sinh hoạt và cả chi phí học hành của con cái, bla…bla…
Tuy nhiên trong bài viết này mình không muốn nhắc đến điều này vì thật sự làm tư vấn bảo hiểm chắc chắn Anh/Chị/Em nào cũng hiểu rất rõ về nó, nhưng có một điều mà mình muốn tất cả Anh/Chị/Em hiểu là vì sao nhất định phải là người trụ cột mà không phải là ai khác, không phải là con hay cha mẹ của người trụ cột, trong khi người Việt Nam thì lại rất thích mua bảo hiểm cho Con và cha mẹ của mình. Nhưng lại rất ghét mua bảo hiểm cho chính bản thân mình.
Để hiểu rõ hơn về điều này mình muốn Anh/Chị/Em nắm thật rõ về 3 chủ thể trong một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Và quan điểm mua bảo hiểm cho người trụ cột cũng từ 3 chủ thể này mà ra.
Thứ nhất là Bên Mua Bảo Hiểm: BMBH là người thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để ký hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có trách nhiệm đóng phí và BMBH là người quyết định ai sẽ là người được bảo hiểm, ai là người thụ hưởng,… hay còn gọi là chủ hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai là Người Được Bảo Hiểm: NĐBH là trái tim của hợp đồng bảo hiểm, tức là người này sẽ được hợp đồng bảo hiểm bảo vệ, nếu không may người được bảo hiểm gặp rủi ro cao nhất là tử vong thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lời tử vong tương đương với số tiền bảo hiểm.
Người được bảo hiểm sẽ không thể thay đổi trong suốt thời hạn hợp đồng, và người được bảo hiểm có thể đồng thời là bên mua bảo hiểm.
Điều này có nghĩa nếu bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm cùng một người thì khi bên mua bảo hiểm tử vong, công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi tử vong cho người thụ hưởng.
Còn nếu trường hợp bên mua bảo hiểm khác với người được bảo hiểm thì khi rủi ro xảy ra với người được bảo hiểm công ty bảo hiểm mới chi trả quyền lợi tử vong còn nếu rủi ro xảy ra với bên mua bảo hiểm thì hợp đồng này vẫn có hiệu lực và người được bảo hiểm vẫn phải có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đến khi đáo hạn hợp đồng.
Thứ ba là Người Thụ Hưởng: NTH là người được Bên Mua bảo hiểm chỉ định nhận tiền bồi thường nếu không may người được bảo hiểm tử vong. Người thụ hưởng có thể là bên mua bảo hiểm hoặc một người khác có mối quan hệ với người được bảo hiểm.
Như vậy nếu trong gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái thì khi tham gia bảo hiểm sẽ có các trường hợp cụ thể như sau xảy ra:
Trường hợp 1: Cha tự mua cho chính mình, cha vừa là bên mua bảo hiểm đồng thời là người được bảo hiểm
Trường hợp 2: Cha mua cho mẹ, cha là bên mua bảo hiểm, mẹ là người được bảo hiểm
Trường hợp 3: Cha mua cho con, cha là bên mua bảo hiểm, Con là người được bảo hiểm
Trường hợp 4: Mẹ mua cho mẹ, Mẹ là Bên Mua Bảo hiểm và đồng thời là Người được bảo hiểm
Trường hợp 5: Mẹ mua cho cha, Mẹ là Bên mua bảo hiểm, Cha là người được bảo hiểm
Trường Hợp 6: Mẹ mua cho con, Mẹ là Bên Mua Bảo Hiểm, Con là người được bảo hiểm
Tương ứng với các trường hợp trên thì có các khả năng chi trả quyền lợi bảo hiểm như sau:
Trường hợp 1: Nếu không may cha chết, vì vừa là bên mua bảo hiểm, vừa là người được bảo hiểm nên công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ chi trả số tiền bảo hiểm, có thể là hàng tỉ đồng.
Trường hợp 2: Nếu Cha chết, hợp đồng vẫn còn hiệu lực và công ty không chi trả và lúc này mẹ vẫn phải đóng tiền phí bảo hiểm cho đến khi đáo hạn hợp đồng. Nếu mẹ chết công ty bảo hiểm mới chi trả quyền lợi tử vong,
Trường hợp 3: Nếu Cha chết, hợp đồng vẫn tiếp tục, công ty không chi trả và người con hoặc mẹ của chúng phải tiếp tục đóng phí bảo hiểm, chỉ khi nào đứa nhỏ rủi ro thì công ty bảo hiểm mới chi trả quyền lợi tử vong.
Trường hợp 4: Nếu Mẹ chết, công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Trường hợp 5: Mẹ chết hợp đồng vẫn tiếp tục đóng phí, khi nào cha chết công ty bảo hiểm mới chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Trường hợp 6:C Mẹ chết hợp đồng vẫn tiếp tục đóng phí, khi nào con chết công ty mới chi trả quyền lợi tử vong.
Qua 6 trường hợp trên chúng ta thấy rằng rõ ràng không một cha mẹ nào muốn con mình chết để nhận tiền, nhưng nếu mua cho con mà cha mẹ gặp rủi ro thì con nhỏ vẫn phải tiếp tục đóng phí bảo hiểm.

Thử hỏi nếu như một đứa trẻ mà cha/mẹ là người kiếm tiền nuôi chúng, nhưng nếu cha mẹ gặp rủi ro thì liệu chúng còn có kiếm ra được tiền để nuôi sống bản thân chúng hay không chứ nói chi đến việc đóng phí bảo hiểm, và đồng nghĩa hợp đồng bảo hiểm cũng bị mất hiệu lực và từ đó bảo hiểm cũng sẽ không có ý nghĩa với gia đình người đó.
Trường hợp khác, khi nếu đã hiểu điều đó chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu tiếp về trường hợp tham gia bảo hiểm cho vợ và chồng trong gia đình. Vậy nếu trong gia đình có 2 vợ chồng cùng kiếm ra tiền, cũng ảnh hưởng đến tài chính chung của cả gia đình thì nên mỗi người mua 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, và như vậy đảm bảo cuộc sống sẽ không ảnh hưởng dù cho rủi ro xảy ra với bất kỳ trụ cột nào trong gia đình người đó.
Còn trường hợp cả gia đình chỉ phụ thuộc vào thu nhập chính của một người tức là người đó là người quyết định thu nhập chính cho gia đình, nếu ngày nào người đó không kiếm được tiền nuôi gia đình thì nên tham gia bảo hiểm cho người trụ cột này vì nếu một may có rủi ro xảy ra thì gia đình vẫn còn sống tốt, vẫn có nguồn thu nhập bù đắp cho gia đình khi có biến cố. Và đối với người trụ cột này thì có lẽ bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm cũng không đủ đối với họ.
Như vậy qua bài phân tích trên của tôi, tôi mong các bạn nên hiểu thật rõ và tư vấn đúng cho gia đình khách hàng, để làm thế nào chúng ta đúng nghĩa là một chuyên gia tư vấn tài chính đúng nghĩa, để giúp cho khách hàng của chúng ta được bảo vệ một cách tốt nhất.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp nhiều khách hàng vô cùng cứng nhắc, bằng mọi giá vẫn không chịu chọn giải pháp mà bạn tư vấn, vẫn khăng khăng đòi mua bảo hiểm cho con, cho cha mẹ thì cũng có một giải pháp khác dành cho họ, và mình sẽ chia sẻ cho các bạn trong bài viết sau nhé. Đón đọc Blog của mình hoặc điền vào form nhận bài viết mới để được cập nhật bài viết mỗi khi được xuất bản.